CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHÒNG TƯ PHÁP TAM KỲ
x
Trang chủGiới thiệuTin tức sự kiệnThông tin tuyên truyềnVăn bảnTư vấn pháp luật

Chính quyền điện tử

  • Lịch công tác tuần
  • Hệ thống QLVB & HSCV (Q.office)
  • Thủ tục hành chính
  • Cải cách hành chính
  • Xử lý vi phạm hành chính
  • Mỗi tuần một điều luật
  • Danh bạ điện thoại
  • Email công vụ

THPL

Vản bản mới

Báo cáo kết quả công tác kiểm tra, rà soát, xử lý, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật năm 2021 của UBND tỉnh Quảng Nam
Kế hoạch tổ chức thi nâng ngạch công chức và thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức tỉnh Quảng Nam năm 2021
Quyết định Về việc công bố Danh mục thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung về lĩnh vực quản lý lao động ngoài nước thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Công văn triển khai thực hiện Kế hoạch công tác thi hành án hành chính năm 2022
Quyết định Ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn thành phố Tam Kỳ năm 2022
Công văn hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực đất đai
LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT ĐẦU TƯ CÔNG, LUẬT ĐẦU TƯ THEO PHƯƠNG THỨC ĐỐI TÁC CÔNG TƯ, LUẬT ĐẦU TƯ, LUẬT NHÀ Ở, LUẬT ĐẤU THẦU, LUẬT ĐIỆN LỰC, LUẬT DOANH NGHIỆP, LUẬT THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT VÀ LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Video tuyên truyền pháp luật

  • Bộ câu hỏi cuộc thi Rung chuông vàng
  • Chuyền đề tuyên truyền pháp luật về gia điình
  • Giới thiệu Thông tư số 09 2021 TT BTP ngày 15 11 2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp
  • Một số quy định pháp luật về lao động
  • Truyên thông sức khỏe sinh sản vị thành niên

Liên kết web

Copy1 of VanBanPhapLuat
lk1
lk21
lk5
lk6

Thống kê truy cập

Hiện có 41 khách Trực tuyến
Website Hit Counters
Mỗi tuần một điều luật
Bản tin pháp luật từ ngày 23/5/2022 đến ngày 29/5/2022
Thứ tư, 25 Tháng 5 2022 08:24

GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ HỘ KINH DOANH VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh. (khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP)

Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh được cấp cho hộ kinh doanh thành lập và hoạt động theo đúng quy định pháp luật.

1. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh

Hộ kinh doanh được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh;

- Tên của hộ kinh doanh được đặt theo đúng quy định tại Điều 88 Nghị định 01/2021/NĐ-CP;

- Có hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh hợp lệ;

- Nộp đủ lệ phí đăng ký hộ kinh doanh theo quy định.

2. Giá trị pháp lý của Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh

- Các thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh có giá trị pháp lý kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.

- Hộ kinh doanh có quyền hoạt động kinh doanh kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Trường hợp hộ kinh doanh đăng ký ngày bắt đầu hoạt động kinh doanh sau ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh thì hộ kinh doanh được quyền hoạt động kinh doanh kể từ ngày đăng ký, trừ trường hợp kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

3. Thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh

Theo Điều 14, 16 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì cơ quan có thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh là Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.

4. Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh

- Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh;

- Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;

- Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;

- Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.

Khi tiếp nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện phải thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ hoặc người thành lập hộ kinh doanh biết. Thông báo phải nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ (nếu có).

5. Trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh

Hộ kinh doanh bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trong các trường hợp sau:

- Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh là giả mạo;

- Ngừng hoạt động kinh doanh quá 06 tháng liên tục mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đăng ký và Cơ quan thuế;

- Kinh doanh ngành, nghề bị cấm;

- Hộ kinh doanh do những người không được quyền thành lập hộ kinh doanh thành lập;

- Hộ kinh doanh không gửi báo cáo theo quy định tại khoản 6 Điều 16 Nghị định 01/2021/NĐ-CP đến Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản;

- Trường hợp khác theo quyết định của Tòa án, đề nghị của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của luật.

6. Trường hợp cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh

- Hộ kinh doanh được đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trong các trường hợp: bị mất, cháy, rách, nát hoặc bị tiêu hủy dưới hình thức khác.

- Trình tự thực hiện:

+ Bước 1: Hộ kinh doanh có thể gửi văn bản đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đến Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh.

+ Bước 2: Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện xem xét cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị.

Căn cứ pháp lý: Điều 14, 16, Chương VIII Nghị định 01/2021/NĐ-CP.

 
Bản tin pháp luật từ ngày 16/5/2022 đến ngày 22/5/2022
Thứ hai, 16 Tháng 5 2022 17:23

 1. Quy định 65-QĐ/TW về luân chuyển cán bộ: 4 quy định nổi bật

Quy định mới nhất về luân chuyển cán bộ vừa được Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành tại Quy định số 65-QĐ/TW ngày 28/4/2022. Dưới đây tổng hợp các nội dung đáng chú ý của văn bản này.

- Cán bộ nào phải thực hiện luân chuyển?

Theo quy định mới nhất tại khoản 2 Điều 4 Quy định 65 này, đối tượng cán bộ luân chuyển gồm:

- Cán bộ được quy hoạch vào chức danh lãnh đạo, quản lý (theo quy định cũ tại Quy định 98-QĐ/TW năm 2017, đối tượng này là cán bộ trẻ, có năng lực, triển vọng, trong quy hoạch của địa phương, cơ quan, đơn vị).

- Không phải là người địa phương, không giữ chức vụ cấp trưởng quá 02 nhiệm kỳ liên tiếp và luân chuyển để thực hiện chủ trương bố trí cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện gồm:

+ Bí thư cấp uỷ (trước đây là Bí thư tỉnh uỷ, huyện uỷ và tương đương).

+ Chủ tịch Uỷ ban nhân dân (UBND) - trước đây ghi rõ là Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

+ Chánh án Toà án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm soát nhân dân và cấp trường ngành công an, thanh tra, tài chính, thuế, hải quan cấp tỉnh/huyện.

- Trường hợp khác do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.


- Tiêu chuẩn, điều kiện luân chuyển cán bộ là gì?

Tiêu chuẩn, điều kiện luân chuyển cán bộ được nêu tại Điều 5 Quy định 65. Cụ thể, cán bộ được luân chuyển nếu đáp ứng các điều kiện sau:

- Có lập trường, tư tưởng chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt;

- Có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, năng lực và triển vọng phát triển cao.

- Đáp ứng tiêu chuẩn, tiêu chí của chức danh được luân chuyển.

- Có đủ sức khoẻ.

- Có thời gian công tác còn ít nhất 10 năm tính từ thời điểm luân chuyển ngoại trừ trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Quy định mới này đã bỏ điều kiện về độ tuổi là 50 tuổi với nam, 45 tuổi với nữ trừ trường hợp được kéo dài thời gian công tác).

Đồng thời, Quy định 65 cũng không còn nêu cụ thể về chức danh bố trí luân chuyển như trước đây nữa:

- Cán bộ đã giữ chức vụ cấp trưởng 02 nhiệm kỳ liên tục, cán bộ luân chuyển thực hiện chủ trương: Không phải người địa phương, chủ yếu bố trí làm cấp trưởng.

- Cán bộ trẻ: Bố trí làm cấp phó.

- Trường hợp khác: Do cấp có thẩm quyền quyết định.


- Thủ tục, trình tự luân chuyển cán bộ thực hiện thế nào?

Thời gian luân chuyển

Thời gian luân chuyển ít nhất là 3 năm (36 tháng) trừ trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định.

Quy trình luân chuyển cán bộ

Bước 1: Cấp uỷ, tổ chức Đảng, lãnh đạo cơ quan rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ để xây dựng kế hoạch luân chuyển căn cứ vào nhu cầu luân chuyển cán bộ sau đó trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho chủ trương.

Bước 2: Cơ quan tham mưu đề xuất nhân sự luân chuyển căn cứ chủ trương của cấp có thẩm quyền.

Bước 3: Cơ quan tham mưu tổ chức, cán bộ tổng hợp đề xuất, rà soát tiêu chuẩn, tiêu chí và dự kiến địa bàn, chức danh, cán bộ luân chuyển.

Đồng thời, cơ quan này cũng lấy ý kiến nhận xét, đánh giá nhân sự dự kiến luân chuyển.

Bước 4: Cơ quan tham mưu tổ chức, cán bộ gửi văn bản lấy ý kiến thẩm định về dự kiến địa bàn, chức danh, nhân sự luân chuyển; tổng hợp ý kiến thẩm định và trao đổi cũng như gặp gỡ để quán triệt mục đích, yêu cầu luân chuyển và nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của cán bộ dự kiến luân chuyển.

Bước 5: Cơ quan tham mưu tổ chức, cán bộ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định và tổ chức công bố quyết định, chỉ đạo bầu cử...


4. Bố trí cán bộ sau luân chuyển thế nào?

Việc bố trí công tác cho cán bộ sau khi thực hiện luân chuyển căn cứ vào yêu cầu công tác cán bộ của Đảng, nhiệm vụ chính trị, tình hình đội ngũ cán bộ của từng địa phương, cơ quan, đơn vị cũng như kết quả công tác, năng lực, sở trường của cán bộ.

Khi đó, căn cứ Điều 11 Quy định 65, cán bộ luân chuyển được hưởng chế độ như sau:

- Được bố trí nơi ở, hỗ trợ đi lại, sinh hoạt phí (nếu có).

- Được bảo lưu chế độ, phụ cấp chức vụ nếu chức danh sau khi luân chuyển thấp hơn chức danh đang đảm nhiệm trước khi luân chuyển.

Còn lại, về cơ bản vẫn thực hiện bố trí chức vụ tương đương với chức vụ đảm nhiệm. Một số trường hợp cần thiết mới bố trí chức vụ cao hơn cho cán bộ có phẩm chất, năng lực nổi trội, có khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của chức vụ dự kiến bố trí.

 
Bản tin pháp luật từ ngày 09/5/2022 đến ngày 15/5/2022
Thứ hai, 16 Tháng 5 2022 15:09

1. Nhà đất không có lối đi giải quyết thế nào?

Nhà đất không có lối đi do bị vây bọc bởi nhà đất của người khác trên thực tế khá phổ biến. Nếu không nắm rõ quy định của pháp luật về lối đi qua rất dễ xảy ra tranh chấp giữa hàng xóm, láng giềng với nhau.


Đối với nhà đất bị vây bọc bởi nhà đất của người khác mà không có lối đi thì người có nhà đất bị vây bọc phải nắm rõ quyền về lối đi qua để yêu cầu mở lối đi hợp lý trên đất người khác và đăng ký quyền về lối đi qua nhằm hạn chế tối đa tranh chấp xảy ra, cụ thể:

Quyền về lối đi qua đất người khác

Quyền về lối đi qua được quy định tại Điều 254 Bộ luật Dân sự 2015. Khoản 1 Điều 254 Bộ luật này nêu rõ:

“1. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.”.

Theo đó, đối với nhà đất không có lối đi ra đường công cộng vì bị vây bọc bởi bất động sản của người khác thì người có nhà đất bị vây bọc có quyền yêu cầu mở lối hợp lý trên phần đất của chủ sở hữu bất động sản vây bọc.

Khi mở lối đi qua có thể phải đền bù hoặc không phải đền bù, cụ thể:

(1) Mở lối đi qua có đền bù, trừ trường hợp các bên thỏa thuận không đền bù.

Trường hợp này áp dụng đối với thửa đất phía trong không hình thành từ thửa đất chung với thửa đất phía ngoài; nếu thuộc trường hợp này thì người có đất ở phía trong sẽ phải đền bù cho người có nhà đất phía ngoài theo thỏa thuận của các bên.

(2) Trường hợp mở lối đi qua nhưng không phải đền bù.

Trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong và không phải đền bù.

Nói cách khác, thửa đất được tách thành nhiều thửa khác nhau cho nhiều người sử dụng đất thì khi tách thửa phải dành lối đi cần thiết cho người ở phía trong (bắt buộc phải mở lối đi) mà không phải đền bù.

Lưu ý:

- Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.

- Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định. 

Hồ sơ, thủ tục đăng ký lối đi qua

* Hồ sơ đăng ký

- Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

- Thành phần hồ sơ:

Căn cứ khoản 1 Điều 2 Thông tư 09/2021/TT-BTNMT, hồ sơ đăng ký lối đi qua gồm các giấy tờ sau đây:

+ Đơn đăng ký biến động đất đai theo Mẫu số 09/ĐK;

+ Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp (Sổ đỏ, Sổ hồng);

+ Giấy tờ xác lập quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề (văn bản thỏa thuận hoặc quyết định của Tòa án nhân dân về việc xác lập quyền mở lối đi qua).

Bên cạnh đó, nhiều địa phương còn yêu cầu sơ đồ thể hiện vị trí, kích thước phần diện tích thửa đất mà người sử dụng thửa đất liền kề được quyền sử dụng hạn chế (sơ đồ lối đi qua).

* Trình tự, thủ tục đăng ký

Bước 1: Nộp hồ sơ

Cách 1: Nộp hồ sơ trực tiếp tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất nếu hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu.

Cách 2: Không nộp tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất.

- Trường hợp địa phương đã tổ chức Bộ phận một cửa để tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính thì hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại Bộ phận một cửa cấp huyện (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương).

- Trường hợp địa phương chưa tổ chức Bộ phận một cửa thì nộp trực tiếp tại Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện nơi có thửa đất hoặc nộp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện nếu chưa tổ chức Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai.

Bước 2: Tiếp nhận và giải quyết

Bước 3: Trả kết quả

Thời gian thực hiện: Không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không quá 20 ngày làm việc với xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.

Thời gian trên không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất,…

Kết luận: Trường hợp nhà đất không có lối đi ra đường công cộng do bị vây bọc bởi nhà đất của người khác thì người phía trong có quyền yêu cầu người bên ngoài mở lối đi hợp lý trên đất của họ, trường hợp người đó không chấp nhận thì có quyền khởi kiện để mở lối đi. Sau khi mở lối đi qua phải đăng ký với cơ quan đăng ký đất đai.

 
Chính sách mới nổi bật có hiệu lực tháng 05/2022
Thứ hai, 09 Tháng 5 2022 09:10

1. Từ 21/5/2022, được đăng ký xe máy tại công an xã

Được đăng ký xe máy tại công an xã từ ngày 21/5/2022 là nội dung tại Thông tư 15/2022/TT-BCA sửa đổi Thông tư 58/2020/TT-BCA quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Cụ thể, công an xã, phường, thị trấn:

- Đăng ký, cấp biển số xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, doanh nghiệp quân đội, cá nhân trong nước có trụ sở hoặc nơi thường trú tại địa phương mình và cơ quan, tổ chức, cá nhân người nước ngoài, của dự án, tổ chức kinh tế liên doanh với nước ngoài tại địa phương mình;

- Tổ chức thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe hết niên hạn sử dụng, xe hỏng không sử dụng được của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trụ sở hoặc nơi thường trú tại địa phương.

 
Bản tin pháp luật từ ngày 04/5/2022 đến ngày 08/5/2022
Thứ tư, 04 Tháng 5 2022 09:07

1. Công chứng ngoài trụ sở trái luật - tiềm ẩn rủi ro gì?

Điều 44 Luật Công chứng năm 2014 quy định về địa điểm công chứng như sau:

- Phải công chứng hợp đồng, giao dịch tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng (Văn phòng công chứng hoặc Phòng công chứng).

- Có thể công chứng ngoài trụ sở của Văn phòng/Phòng công chứng nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Người già yếu, không thể đi lại được.

+ Người đang bị tạm giam, tạp giữ, đang thi hành án phạt tù.

+ Người có lý do chính đáng khác mà không thể đến trụ sở của Phòng/Văn phòng công chứng.

Do đó, theo quy định nêu trên, các bên phải đến tận trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng để thực hiện việc ký hợp đồng công chứng trừ 03 trường hợp nêu trên có thể yêu cầu Công chứng viên công chứng bên ngoài trụ sở của Phòng/Văn phòng công chứng.

Những địa điểm công chứng trong trường hợp này sẽ do các bên thoả thuận với Công chứng viên thực hiện ký công chứng. Trong đó, có thể kể đến ở nhà riêng, trong bệnh viện...

Lưu ý: Khi yêu cầu Công chứng viên công chứng ngoài trụ sở, trong Phiếu yêu cầu công chứng, các bên cần phải nêu rõ lý do yêu cầu công chứng ngoài trụ sở, địa điểm cũng như thời gian yêu cầu công chứng ngoài trụ sở.

Đặc biệt, khi yêu cầu công chứng ngoài trụ sở, ngoài các khoản phí công chứng theo quy định, người yêu cầu công chứng còn phải nộp thêm một khoản thù lao công chứng ngoài trụ sở. Tuy nhiên, mức thù lao cụ thể sẽ do các bên thoả thuận nhưng thường sẽ căn cứ vào khoảng cách, điều kiện, phương tiện đi lại...

Rủi ro khi công chứng ngoài trụ sở trái quy định

Về phía Công chứng viên

Như phân tích ở trên, chỉ được công chứng ngoài trụ sở trong 03 trường hợp nêu trên. Với trường hợp vì lý do khác, người yêu cầu công chứng phải trình bày được lý do chính đáng vì sao không thể đến trụ sở để thực hiện công chứng hợp đồng và được Công chứng viên đồng ý.

Nếu Công chứng viên thực hiện việc công chứng ngoài trụ sở không đúng quy định (không thuộc một trong ba trường hợp nêu trên) thì theo điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, Công chứng viên sẽ bị phạt tiền từ 03 - 07 triệu đồng.

Mức phạt này đã tăng nhiều lần so với quy định cũ tại khoản 8 Điều 1 Nghị định 67/2015/NĐ-CP (trước đây chỉ bị phạt từ 01 - 03 triệu đồng).

Không chỉ vậy, theo Điều 38 Luật Công chứng về việc bồi thường, bồi hoàn trong hoạt động công chứng, nếu Công chứng viên công chứng ngoài trụ sở trái quy định thì sẽ phải bồi thường thiệt hại.

Nếu gây thiệt hại thì phải hoàn trả lại mộtkhaorn tiền đã chi để bồi thường cho người bị thiệt hại. Nếu không thì tổ chức hành nghề công chứng có thể yêu cầu Toà án giải quyết.

Về phía các bên

Khi Công chứng viên và các bên thực hiện công chứng ngoài trụ sở trái luật thì hợp đồng công chứng đó sẽ vô hiệu. Theo khoản 2 Điều 131 khi hợp đồng vô hiệu các bên sẽ khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Nếu không trả được bằng vật thì quy ra tiền để hoàn trả.

Như vậy, có thể thấy, hiện nay, pháp luật vẫn cho phép các bên thực hiện công chứng ngoài trụ sở nếu thuộc một trong các lý do nêu trên. Tuy nhiên, cần phải lưu ý, khi công chứng ngoài trụ sở, bắt buộc phải thực hiện theo đúng quy định: Ký trước mặt Công chứng viên, yêu cầu ghi rõ trong phiếu yêu cầu công chứng...

2. Khi nào khai man giá đất bị xử lý hình sự về Tội trốn thuế?

Khai man giá đất nhằm trốn thuế trên thực tế khá phổ biến. Tùy vào tính chất và mức độ vi phạm của hành vi vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Vấn đề cần giải quyết trong trường hợp này là khi nào bị xử lý vi phạm hành chính, khi nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Để giải quyết vấn đề này cần căn cứ vào quy định Tội trốn thuế của Bộ luật Hình sự và cách tính số thuế trốn theo pháp luật thuế thu nhập cá nhân, cụ thể:

Tội trốn thuế theo quy định Điều 200 Bộ luật Hình sự

Căn cứ khoản 1 Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi điểm a khoản 47 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017, người khai man giá đất nhằm trốn thuế với số tiền từ 100 đến dưới 300 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 100 - 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

Hoặc trốn thuế dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về Tội trốn thuế hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật Hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 100 - 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

Như vậy, tính chất nguy hiểm cho xã hội đáng kể để truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội trốn thuế là số thuế trốn từ 100 triệu đồng trở lên, nếu trốn thuế với số tiền dưới 100 triệu đồng sẽ bị xử lý vi phạm hành chính.

Ngoài ra, ngay cả khi trốn thuế dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về Tội trốn thuế hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật Hình sự, chưa được

xóa án tích vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Số thuế trốn được tính như thế nào?

Điều 17 Thông tư 92/2015/TT-BTC quy định cách tính thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản như sau:

Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Giá chuyển nhượng x 2%

Trong đó, giá chuyển nhượng được quy định như sau:

(1) Giá chuyển nhượng đối với chuyển nhượng quyền sử dụng đất không có công trình xây dựng trên đất là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng tại thời điểm chuyển nhượng.

Trường hợp trên hợp đồng chuyển nhượng không ghi giá hoặc giá trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá đất do UBND cấp tỉnh (Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) quy định tại thời điểm chuyển nhượng thì giá chuyển nhượng được xác định theo bảng giá đất do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng.

(2) Giá chuyển nhượng đối với chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với công trình xây dựng trên đất, kể cả nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng tại thời điểm chuyển nhượng.

Trường hợp trên hợp đồng chuyển nhượng không ghi giá đất hoặc giá đất trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá do UBND cấp tỉnh quy định thì giá chuyển nhượng đất là giá do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng.

Trường hợp chuyển nhượng nhà gắn liền với đất thì phần giá trị nhà, kết cấu hạ tầng và công trình kiến trúc gắn liền với đất được xác định căn cứ theo giá tính lệ phí trước bạ nhà do UBND cấp tỉnh quy định. Trường hợp UBND cấp tỉnh không có quy định giá tính lệ phí trước bạ nhà thì căn cứ vào quy định của Bộ Xây dựng về phân loại nhà, về tiêu chuẩn, định mức xây dựng cơ bản, về giá trị còn lại thực tế của công trình trên đất.

Đối với công trình xây dựng hình thành trong tương lai, trường hợp hợp đồng không ghi giá chuyển nhượng hoặc giá chuyển nhượng thấp hơn tỷ lệ góp vốn trên tổng giá trị hợp đồng nhân với giá đất và giá tính lệ phí trước bạ công trình xây dựng do UBND cấp tỉnh quy định thì giá chuyển nhượng được xác định theo giá Ủy ban nhân với tỷ lệ góp vốn trên tổng giá trị hợp đồng.

Trường hợp UBND cấp tỉnh chưa có quy định về đơn giá thì áp dụng theo suất vốn đầu tư xây dựng công trình do Bộ Xây dựng công bố, đang áp dụng tại thời điểm chuyển nhượng.

Như vậy, số thuế trốn được xác định bằng số thuế của tiền chênh lệch giữa hai hợp đồng do các bên thỏa thuận, cụ thể:

- Hợp đồng 1: Hợp đồng dùng để khai, nộp thuế. Hợp đồng này theo quy định phải công chứng hoặc chứng thực.

- Hợp đồng 2: Hợp đồng do các bên thỏa thuận theo giá thực tế (giá tại hợp đồng này thường cao hơn nhiều so với giá được ghi tại hợp đồng 1).

Theo đó, để trốn từ 100 triệu đồng tiền thuế trở lên thì số tiền chênh lệch của 02 hợp đồng này phải từ 05 tỷ đồng trở lên.

Số thuế trốn được tính theo công thức sau:

Số thuế trốn = 2% x (Giá chuyển nhượng của hợp đồng thực tế - Giá chuyển nhượng của hợp đồng công chứng, chứng thực)

Ví dụ: Ông A chuyển nhượng thửa đất của mình cho ông B. Giá chuyển nhượng thực tế là 08 tỷ đồng nhưng để giảm số thuế thu nhập cá nhân phải nộp hai người đã thỏa thuận ghi trong hợp đồng được công chứng là 2.5 tỷ đồng.

Khi đó số thuế trốn là 110 triệu đồng (số tiền chênh lệch là 6,5 tỷ đồng x 2%), trường hợp này bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội trốn thuế theo quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015.

 
Bản tin pháp luật tuần từ ngày 18/4/2022 đến ngày 24/4/2022
Thứ hai, 18 Tháng 4 2022 10:40

1. Cướp tài sản làm chết người, tội có chồng thêm tội?

Để hành vi cướp tài sản được thực hiện một cách suôn sẻ, các đối tượng không ngần ngại thẳng tay gây thương tích cho nạn nhân. Thế nhưng, hành vi này có thể để lại hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là làm chết người.

Trong trường hợp này, để xác định tội danh cho người phạm tội cần xác minh xem hành vi gây tại nạn cho nạn nhân có mục đích làm chết người hay không theo hai trường hợp dưới đây:

* Cướp tài sản nhưng “lỡ” tay làm chết người

Cướp tài sản là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài.

Trong quá trình cướp tài sản, các đối tượng vô ý gây ra tai nạn hoặc cố ý gây ra tai nạn nhưng chỉ nhằm mục đích trốn chạy chứ không cố ý gây chết người thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cướp tài sản với tình tiết định khung hình phạt là làm chết người.

Theo điểm c khoản 4 Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 18 năm - 20 năm hoặc tù chung thân:

- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500 triệu đồng trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;

- Làm chết người...

Như vậy, với trường hợp “lỡ” tay làm chết người, người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cướp tài sản với mức phạt tù từ 18 năm - 20 năm hoặc tù chung thân.

* Cướp tài sản rồi giết người nhằm che giấu hành vi phạm tội

Có không ít trường hợp sau khi thực hiện hành vi cướp tài sản, người thực hiện hành vi phạm tội ra tay với nạn nhân để che giấu tội phạm. Với trường hợp này, ngoài Tội cướp tài sản, người phạm tội còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội giết người.

Theo đó, giết người để che giấu tội phạm là trường hợp mà trước khi giết người, người phạm tội đã thực hiện một hiện một tội phạm khác và để che giấu tội phạm đó nên người phạm tội đã giết người, giữa hành vi giết người với tội phạm đã thực hiện phải có mối liên hệ với nhau. Về mặt thời gian thì tội phạm muốn che giấu xảy ra trước so với tội giết người.

Tóm lại, người thực hiện hành vi cướp tài sản sau đó giết người để che giấu hành vi phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội danh:

- Tội cướp tài sản;

- Tội giết người.

Trong đó, với Tội Giết người với tình tiết định khung quy định tại điểm g khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 (Giết người để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác), người phạm tội có thể bị phạt tù từ 12 - 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

 
Chính sách mới nổi bật có hiệu lực tháng 4/2022
Thứ tư, 13 Tháng 4 2022 14:39

1. Áp dụng hóa đơn điện tử trên phạm vi toản quốc

Đây là nội dung đáng chú ý tại Quyết định số 206/QĐ-BTC về việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử đối với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên địa bàn 57 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trước đó, từ tháng 11/2021, hóa đơn điện tử đã được triển khai tại 6 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ninh, Bình Định.

Sang đến tháng 4/2022, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại sẽ được triển khai thực hiện hóa đơn điện tử, bao gồm: Hà Giang, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hậu Giang, Hòa Bình, Hưng Yên, Khánh Hòa, Lạng Sơn, Lào Cai, Long An, Nam Định, Nghệ An, Ninh Bình, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Sóc Trăng, Sơn La, Yên Bái…

Cục Thuế 57 tỉnh, thành phố có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo triển khai áp dụng hóa đơn điện tử tại địa phương, tổ chức tập huấn cho người nộp thuế và cán bộ thuế quy định về hóa đơn điện tử,...

 
Bản tin pháp luật tuần từ ngày 11/4/2022 đến ngày 17/4/2022
Thứ tư, 13 Tháng 4 2022 14:28

1. Loại đất nào không thể tách thửa: Biết rõ để tránh ôm “bom”

* Không đáp ứng điều kiện về diện tích tối thiểu

Diện tích tối thiểu là diện tích mà thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại sau khi tách thửa không được nhỏ hơn (bao gồm cả trường hợp hợp thửa với thửa đất liền kề).

Điều kiện đầu tiên để được tách thửa cần phải đáp ứng đó là đủ điều kiện về diện tích, kích thước tối thiểu theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương).

Đây là điều kiện áp dụng đối với tất cả các tỉnh thành và các loại đất. Điều đó đồng nghĩa với việc thửa đất không đáp ứng được điều kiện về diện tích và kích thước tối thiểu sẽ không được phép tách thửa.

Ví dụ: Tại Quyết định 20/2017/QĐ-UBND ngày 01/6/2017, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội quy định hạn mức giao đất và công nhận quyền sử dụng đất ở như sau:

TT

Khu vực

Mức tối thiểu

Mức tối đa

1

Các phường

30m2

90m2

2

Các xã giáp ranh các quận và thị trấn

60m2

120m2

3

Các xã vùng đồng bằng

80m2

180m2

4

Các xã vùng trung du

120m2

240m2

5

Các xã vùng miền núi

150m2

300m2

Theo đó, các thửa đất ở được hình thành từ việc tách thửa phải đảm bảo các điều kiện sau:

- Có diện tích không nhỏ hơn 30m2 đối với khu vực các phường, thị trấn và không nhỏ hơn 50% hạn mức giao đất ở tối thiểu theo quy định tại bảng trên với các xã còn lại.

- Chiều rộng và chiều sâu từ 03m trở lên (so với chỉ giới xây dựng).

* Đất tại tỉnh, thành tạm dừng thủ tục tách thửa

Một số tỉnh, thành hiện nay đã ban hành công văn chỉ đạo tạm dừng tiếp nhận, giải quyết thủ tục tách thửa.

Lưu ý:

- Chỉ tạm dừng tiếp nhận, giải quyết thủ tục chia tách thửa đất nông nghiệp. Việc tạm dừng này không áp dụng đối với thửa đất ở.

Muốn biết chính xác thông tin tạm dừng tách thửa loại đất nào phải xem chỉ tiết nội dung công văn của từng tỉnh, thành.

- Việc tạm dừng thủ tục tách thửa là biện pháp tạm thời nhằm góp phần ngăn chặn tình trạng sốt đất, không cấm tách thửa trong thời gian dài (Luật Đất đai 2013 và văn bản quy định chi tiết không cấm tách thửa đối với đất nông nghiệp).

* Đất không có Sổ đỏ, Sổ hồng

Về nguyên tắc đất không có Giấy chứng nhận (Sổ đỏ, Sổ hồng) sẽ không đủ điều kiện tách thửa. Vì tách thửa thường được thực hiện khi chuyển nhượng, tặng cho một phần thửa đất; mà theo quy định tại khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013 khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải có Sổ đỏ, Sổ hồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai.

Tuy nhiên, vẫn có một vài tỉnh vẫn được tách thửa nếu đủ điều kiện cấp Sổ đỏ, Sổ hồng (chưa có Sổ đỏ, Sổ hồng). Ví dụ như tỉnh Bắc Kạn.

* Đất đang có tranh chấp, hết thời hạn sử dụng

+ Đất đang có tranh chấp

Tại quyết định về điều kiện tách thửa của Ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành đã quy định rõ đất không có tranh chấp mới được tách thửa. Trong khi đó nhiều tỉnh, thành không quy định rõ điều kiện này.

Mặc dù vậy, trên thực tế việc tách thửa thường được thực hiện chuyển nhượng, tặng cho một phần thửa đất. Chính vì vậy, đất có tranh chấp sẽ không đủ điều kiện tách thửa.

+ Đất hết thời hạn sử dụng

Thời hạn sử dụng đất được chia thành hai nhóm, đất sử dụng ổn định lâu dài (như đất ở của hộ gia đình, cá nhân) và đất sử dụng có thời hạn (như đất nông nghiệp).

Khi đất không còn trong thời hạn sử dụng (hết thời hạn sử dụng đất) thì người sử dụng đất không được thực hiện các quyền chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp,… Đồng nghĩa với việc muốn tách thửa cũng cần phải còn thời hạn sử dụng đất.

* Quyền sử dụng đất đang bị kê biên

Khi quyền sử dụng đất bị kê biên để bảo đảm thi hành án thì không chỉ quyền tách thửa mà quyền khác như chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp cũng không thể thực hiện được (theo khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013).

Đồng thời khi kê biên quyền sử dụng đất, Chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án, người đang quản lý giấy tờ về quyền sử dụng đất phải nộp các giấy tờ đó cho cơ quan thi hành án dân sự (theo khoản 1 Điều 111 Luật Thi hành án dân sự 2008).

* Không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất

Khoản 1 Điều 6 Luật Đất đai 2013 quy định một trong những nguyên tắc sử dụng đất là phải sử dụng đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Nguyên tắc này cũng được các tỉnh, thành quy định rõ trong quyết định quy định về điều kiện được phép tách thửa.

Theo đó, nhiều tỉnh, thành quy định rõ muốn tách thửa phải phù hợp với quy hoạch. Đất thuộc các dự án phát triển nhà ở theo quy hoạch, các dự án đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch cũng không được tách thửa.

Ví dụ: Tại Quyết định số 05/2017/QĐ-UBND, Thành phố Cần Thơ quy định điều kiện tách thửa phải đáp ứng các điều kiện cụ thể, trong đó phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, quy hoạch sản xuất nông nghiệp.

* Đất đã có thông báo thu hồi

Khoản 1 Điều 67 Luật Đất đai 2013 quy định trước khi có quyết định thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo thu hồi cho người sử dụng đất biết trước thời điểm thu hồi một khoảng thời gian nhất định, cụ thể:

- Chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp.

- Chậm nhất là 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp.

Thông báo thu hồi đất được gửi đến cho người có đất bị thu hồi. Theo đó, khi có thông báo thu hồi đất thì cơ quan nhà nước sẽ từ chối hồ sơ đề nghị tách thửa của người sử dụng đất.

 

2. Lỗi quên bật xi nhan bị phạt bao nhiêu?

Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định các trường hợp người đi ô tô, xe máy bắt buộc phải bật xi nhan bao gồm:

- Khi chuyển làn đường:

Căn cứ Điều 13 Luật Giao thông đường bộ, trên đường có nhiều làn đường xe cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn, lái xe khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và đồng thời phải bảo đảm an toàn.

- Khi chuyển hướng xe:

Theo Điều 15 Luật này, khi muốn chuyển hướng xe, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng xe.

Lưu ý: Trong khi chuyển hướng, người lái xe phải nhường đường cho người đi bộ, người đi xe đạp đang đi trên phần đường ưu tiên, nhường đường cho các xe đi ngược chiều. Chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại cho hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác.

Như vậy, theo quy định, người lái xe máy, ô tô phải bật xi nhan khi rẽ phải, rẽ trái, quay đầu xe, vượt xe khác, khi chạy vào lề đường để dừng đỗ xe.

Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, lái xe ô tô cũng được yêu cầu phải xi nhan khi lùi xe, dừng xe, đỗ xe.

Trong thực tế, các lái xe cũng được khuyến nghị nên xi nhan khi đi qua vòng xuyến, đi theo đường cong, đi qua ngã 3 chữ Y… để đảm bảo an toàn.
Mức phạt lỗi không xi nhan là bao nhiêu?

Căn cứ Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không xi nhan trong những trường hợp sau đây sẽ bị xử phạt:

Phương tiện

Lỗi

Mức phạt

Căn cứ

Xe máy

Chuyển làn đường không có tín hiệu báo trước

100.000 - 200.000 đồng

Điểm i khoản 1 Điều 6

Chuyển hướng không có tín hiệu báo hướng rẽ (trừ trường hợp đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức)

400.000 - 600.000 đồng

Điểm a khoản 3 Điều 6

Xe ô tô

Dừng, đỗ xe không có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết

300.000 - 400.000 đồng

Điểm d khoản 1 Điều 5

Chuyển làn đường không có tín hiệu báo trước

400.000 - 600.000 đồng

Điểm a khoản 2 Điều 5

Chuyển hướng không có tín hiệu báo hướng rẽ (trừ trường hợp điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức)

800.000 - 01 triệu đồng

Điểm c khoản 3 Điều 5

Lùi xe không có tín hiệu báo trước

800.000 - 01 triệu đồng

Điểm o khoản 3 Điều 5

Chuyển làn đường không có tín hiệu báo trước khi chạy trên đường cao tốc

04 - 06 triệu đồng

Tước Giấy phép lái xe từ 01 - 03 tháng

Điểm g khoản 5 và điểm b khoản 11 Điều 5

Máy kéo, xe máy chuyên dùng

Lùi xe không có tín hiệu báo trước

300.000 - 400.000 đồng

 

Điểm b khoản 2 Điều 7

Dừng xe, đỗ xe không có tín hiệu báo trước

300.000 - 400.000 đồng

 

Điểm g khoản 2 Điều 7

Chuyển làn đường không có tín hiệu báo trước khi chạy trên đường cao tốc

800.000 - 01 triệu đồng

Tước Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng giao thông đường bộ 01 - 03 tháng

Điểm d khoản 4 và điểm a khoản 10 Điều 7

Trên đây là các trường hợp phải bật xi nhan và mức phạt với lỗi không xi nhan theo quy định hiện hành.

3. Bị tai nạn khi đi công tác có được hưởng tai nạn lao động?
* Tai nạn xảy ra khi đi công tác có tính là tai nạn lao động không?

Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động đã quy định điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động như sau:

Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;

b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;

c) Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;

2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này; 

3. Người lao động không được hưởng chế độ do Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả nếu thuộc một trong các nguyên nhân quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này.

Theo đó, người lao động bị tai nạn khi đi công tác sẽ được hưởng chế độ tai nạn lao động nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

1 - Tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

2 - Bị tai nạn khi đi công tác ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động.

3 - Bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn.

4 - Tai nạn không thuộc một trong các nguyên nhân sau:

- Do mâu thuẫn của nạn nhân với người gây tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.

- Do cố ý tự hủy hoại sức khỏe.

- Do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái pháp luật.
* Nhân viên bị tai nạn khi đi công tác, công ty có phải bồi thường?

Theo quy định tại Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động, người lao động bị tai nạn khi đi công tác mà được xác định là bị tai nạn lao động thì được công ty thanh toán các khoản tiền sau:

- Chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định và phí khám giám định mức độ suy giảm khả năng lao động.

- Tiền lương trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động: Trả đủ tiền lương bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo hợp đồng lao động.

- Bồi thường thêm 01 khoản tiền:

+ Bị tai nạn lao động không do lỗi của người lao động gây ra:

  • Suy giảm khả năng lao động từ 5% - 10%: Bồi thường ít nhất 1,5 tháng tiền lương.
  • Suy giảm khả năng lao động từ 11% - 80%: Bồi thường ít nhất 1,5 tháng tiền lương cho 10%, sau đó cứ thêm 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương.
  • Suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên: Bồi thường ít nhất 30 tháng tiền lương.

+ Bị tai nạn lao động do lỗi của người lao động: Bồi thường ít nhất bằng 40% số tiền bồi thường của trường hợp bị tai nạn không do lỗi của người lao động.

* Mức hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tính thế nào?

Nếu được kết luận là tai nạn lao động, người lao động bị tai nạn khi đi công tác sẽ được cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả các khoản tiền sau:

(1) Trợ cấp 1 lần hoặc trợ cấp hằng tháng

- Trợ cấp 1 lần áp dụng cho người lao động bị tai nạn lao động mà suy giảm từ 5 - 30%:

Mức hưởng xác định bằng tổng 02 khoản tiền sau:

+ Trợ cấp tính theo mức suy giảm lao động: Suy giảm 5% hưởng 05 lần mức lương cơ sở, sau đó, cứ suy giảm thêm 1% thì hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở.

+ Trợ cấp tính theo số năm đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động: Từ 01 năm trở xuống được 0,5 tháng; cứ thêm mỗi năm hưởng thêm 0,3 tháng tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị tai nạn lao động.

(Theo Điều 48 Luật An toàn, vệ sinh lao động)

- Trợ cấp hằng tháng áp dụng cho người lao động bị tai nạn lao động mà suy giảm từ 31%:

Mức hưởng xác định bằng tổng 02 khoản tiền sau:

+ Trợ cấp tính theo mức suy giảm lao động: Suy giảm 31% hưởng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% hưởng thêm 2% mức lương cơ sở.

+ Trợ cấp tính theo số năm đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động: Từ 01 năm trở xuống được 0,5%, thêm mỗi năm được 0,3% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị tai nạn lao động.

(Theo Điều 49 Luật An toàn, vệ sinh lao động)

(2) Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau điều trị tai nạn lao động

Theo Điều 54 Luật An toàn, vệ sinh lao động, sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động và trong 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe như sau:

- Tối đa 10 ngày nếu suy giảm lao động từ 51% trở lên;

- Tối đa 07 ngày nếu suy giảm lao động từ 31% - 50%;

- Tối đa 05 ngày nếu suy giảm lao động từ 15% - 30%.

Mức trợ cấp mỗi ngày = 30% x Mức lương cơ sở

(3) Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp khi trở lại làm việc

Mức hỗ trợ tối đa = 50% mức học phí (không quá 15 lần mức lương cơ sở)

(Theo Điều 55 Luật An toàn, vệ sinh lao động)

(4) Tiền mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình.

(5) Trợ cấp phục vụ nếu suy giảm từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống, mù hai mắt, cụt, liệt hai chi hoặc bị tâm thần

(6) Trợ cấp một lần khi chết

Mức trợ cấp 1 lần = 36 x Mức lương cơ sở = 53.640.000 đồng.

(Theo Điều 53 Luật An toàn, vệ sinh lao động)

 

 

 
Bản tin pháp luật từ ngày 04/4/2022 đến ngày 10/4/2022
Thứ sáu, 08 Tháng 4 2022 08:49

1. Thực hư chuyện Hà Nội cấm xe máy sau năm 2025

Thông tin Hà Nội cấm xe máy sau năm 2025 thực chất mới chỉ là đề xuất của thành phố được đưa ra tại báo cáo về kết quả thực hiện Đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030 được phê duyệt tại Quyết định 5953/QĐ-UBND ngày 24/8/2017.

Theo đó, những năm tới, thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thủ tục để phê duyệt đề án về phân vùng hạn chế hoạt động xe máy và tiến tới dừng hoạt động loại phương tiện này trên địa bàn các quận, tiến tới dừng hoạt động sau năm 2025, sớm hơn 05 năm so với dự kiến trước đây.

Đây là đề xuất từ cuối năm 2021 của thành phố Hà Nội, tuy nhiên gần đây lại được dân tình xôn xao bởi sự xuất hiện của Nghị quyết 48/NQ-CP ngày 05/4/2022.

Theo đó, để tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025, Chính phủ đặt ra một số nhiệm vụ đối với các thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có Hà Nội như sau:

Nghiên cứu xây dựng Đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới lộ trình hạn chế hoặc dừng hoạt động của xe máy trên một số địa bàn các quận sau năm 2030;

Theo đó, thành phố Hà Nội sẽ nghiên cứu phương án để hạn chế hoặc dừng hoạt động của xe máy trên một số địa bàn các quận sau năm 2030.

Dù vậy, các thông tin về việc cấm xe máy trên đây mới chỉ là đề xuất, chứ chưa phải quyết định chính thức.

Cùng với đó, để thực hiện mục tiêu này, thành phố cũng cần thời gian để hoàn thiện cơ bản kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải giao thông công cộng khối lượng lớn như đường sắt đô thị, các tuyến đường BRT, nâng cao chất lượng vận tải khách công cộng... nhằm đáp ứng được cầu đi lại của nhân dân.

Xe máy là phương tiện cá nhân chủ yếu phục vụ mục đích đi lại của người dân. Thậm chí đây còn là công cụ mưu sinh của nhiều người. Do đó, việc cấm xe máy lưu thông trong một số quận nội thành đã đem đến nhiều ý kiến trái chiều.

Tuy nhiên, việc cấm xe máy trong tương lai cũng là điều cần thiết để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là chống ùn tắc giao thông, giảm thiểu khí thải gây ô nhiễm môi trường.

Như vậy, thay vì sử dụng phương tiện cá nhân là xe máy, khi vào khu vực hạn chế, người dân có thể gửi xe tại các bãi đỗ xe trung chuyển rồi chuyển sang sử dụng các loại hình thức vận tải khác như:

- Phương tiện giao thông công cộng : Xe bus, tàu đường sắt trên cao, xe đạp công cộng…

- Các phương tiện giao thông xanh: Xe đạp; các loại xe điện như xe đạp điện, xe máy điện,…

Để thực hiện Đề án phân vùng hạn chế tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên một số địa bàn các quận sau năm 2030, tại Nghị quyết 48/NQ-CP, Chính phủ cũng yêu cầu thành phố thực hiện rà soát, chỉ đạo cơ quan chuyên môn tham mưu cho Hội đồng nhân dân thành phố ban hành các Nghị quyết về việc ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn.

Từ đó phấn đấu đạt chỉ tiêu tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng đến năm 2025 đạt 30% - 35% để bao phủ, phục vụ tốt nhu cầu di lại của nhân dân để tương ứng với việc giảm phương tiện giao thông cá nhân là xe máy.

 

 
Các bài viết khác...
  • Bản tin pháp luật tuần từ ngày 28/3/2022 đến ngày 03/4/2022
  • Bản tin pháp luật từ ngày 21/3/2022 đến ngày 27/3/2022
  • Bản tin pháp luật từ ngày 14/3/2022 đến ngày 20/3/2022
  • Bản tin pháp luật tuần từ ngày 07/3/2022 đến ngày 13/3/2022
<< Bắt đầu < Lùi 1 2 Tiếp theo > Cuối >>

Trang 1 trong tổng số 2

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHÒNG TƯ PHÁP TAM KỲ

Trụ sở: 159 Trưng Nữ Vương -Thành phố Tam Kỳ- Tỉnh Quảng Nam

Email: tuphaptamky288@gmail.com | Website: www.tuphaptamky.gov.vn - Designed by Netlinkvn.com

Ghi rõ nguồn www.tuphaptamky.gov.vn khi sử dụng thông tin trên website này

.
vận chuyển hàng bắc nam,taxi tải hà nội,cho thuê xe tải chở hàng,vận tải bắc nam