 Toàn cảnh diễn đàn. |
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm khẳng định, nhà nước Việt Nam luôn cam kết và quyết tâm đẩy mạnh thực hiện công tác bình đẳng giới và bảo đảm quyền con người của phụ nữ và trẻ em gái. Điều này thể hiện ở những tiến bộ về cải cách luật pháp, chính sách mạnh mẽ thông qua nội luật hóa Công ước, áp dụng qui định và nguyên tắc Công ước CEDAW trong quá trình xây dựng và thực thi điều luật, chương trình, chính sách tại Việt Nam.
Đáng quan tâm, việc nâng cao quyền năng của phụ nữ Việt Nam trong những năm gần đây đã đạt nhiều thành tựu đáng kể. Trong tham gia chính trị, Việt Nam có 1 nữ Chủ tịch Quốc hội, 1 nữ Phó Chủ tịch nước, 3 ủy viên Bộ chính trị, 50% các bộ, ban, ngành cơ quan trung ương có nữ lãnh đạo chủ chốt; tỷ lệ nữ trong Quốc hội đạt 24,2% và trong HĐND cấp tỉnh đạt 25,17%, HĐND cấp huyện đạt 24,26% và cấp xã đạt 21,71%.
Trong kinh tế, lao động, việc làm, số nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 24,8%; Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động: nữ chiếm 79%, nam chiếm 86% và Việt Nam xếp hạng 21/145 quốc gia về khoảng cách giới trong lao động. Phụ nữ đã bắt kịp và thậm chí vượt qua nam giới xét trên phương diện đạt được bằng cao đẳng và đại học. Về chăm sóc sức khỏe, năm 2014, tuổi thọ trung bình của nam là 70,6 tuổi và nữ là 76 tuổi.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, đến tháng 6.2015, toàn quốc vẫn phát hiện 13.268 vụ bạo lực gia đình với 13.752 nạn nhân. Các nạn nhân đã tìm đến các dịch vụ hỗ trợ, tư vấn, chăm sóc tại cơ sở khám chữa bệnh với tổng số 16.028 lượt. Bên cạnh đó, phụ nữ vẫn bị hạn chế trong việc tham gia và thụ hưởng quyền con người trong chính trị, lao động, việc làm, vẫn còn chính sách và luật pháp chưa phù hợp với nguyên tắc và quy định của CEDAW.
Tham dự diễn dàn, nhiều ý kiến cho rằng mục tiêu xóa bỏ khoảng cách giới chưa đạt được như mong muốn bởi thái độ gia trưởng tồn tại dai dẳng, những khuôn mẫu giới đã ăn sâu trong xã hội, sự thiếu thông tin và dữ liệu về tất cả các hình thức bạo lực với phụ nữ còn hạn chế. Bên cạnh đó, tuổi nghỉ hưu của Việt Nam hiện nay đang làm hạn chế việc hưởng quyền của phụ nữ.
Qua thực tế điều tra về tiếp cận công lý cho phụ nữ, đại diện Viện Xã hội học (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, cần tăng cường nhận thức của phụ nữ, nhất là nạn nhân của bạo lực gia đình, cũng như của những người tham gia giải quyết (tổ trưởng dân phố, đại diện tổ chức đoàn thể địa phương) các vụ việc bạo lực gia đình.
Thực tế cho thấy, hiện chu trình giải quyết các vụ việc bạo lực gia đình còn câu nệ vào hình thức hòa giải nên việc xử lý bạo lực gia đình chậm và “có vấn đề”. Nhiều vụ việc bạo lực gia đình được đưa ra phê bình tại tổ dân phố nhưng chỉ có nạn nhân tham gia còn người gây ra bạo lực gia đình thì vắng mặt.
Việt Nam luôn nỗ lực để hiện thực hóa các quy định của CEDAW tại Việt Nam nhằm nâng cao hơn nữa quyền năng của phụ nữ Việt Nam, thông qua việc hạn chế những yếu tố cản trở nỗ lực thực hiện CEDAW. Theo đó, cần thay đổi nhận thức của các chủ thể về bình đẳng giới, xây dựng các chính sách, quy định để thúc đẩy quyền năng của phụ nữ, can thiệp, giải quyết kịp thời đảm bảo sự tham gia của phụ nữ trong các hoạt động và thúc đẩy sự tham gia này hiệu quả.
Ý kiến bạn đọc